Thứ bảy, 20/04/2024 - 05:45|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường TH & THCS Làng Mười

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở vùng cao

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở vùng cao 

Biên phòng - Với đặc thù đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, khả năng phát triển các kỹ năng còn hạn chế nên những năm gần đây, các trường học ở vùng cao đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết cho hiện tại cũng như tương lai.

vadc_5a
Hướng dẫn học sinh vùng cao Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cách phòng chống cháy nổ. Ảnh: Thế Lượng

Học sinh ở sâu trong các bản, ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, môi trường sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các phương tiện truyền thông về văn hóa, xã hội còn chưa phổ biến. Đó là những vấn đề thực tế mà các em học sinh ở các trường học vùng cao gặp phải. Hơn nữa, là con em đồng bào các dân tộc nên các em hiền lành, ngoan ngoãn, đa số lại ít nói, ngại tiếp xúc và chậm xử lý những tình huống xảy ra trong cuộc sống cũng như trong học tập.

Xác định được những khó khăn trên, những năm qua, các trường học ở vùng cao, nhất là ở bậc THCS và THPT đã đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của nhà trường; gắn hoạt động này với hoạt động giáo dục trong cả năm học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Khi xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các nhà trường đã chú trọng đến cách làm và hiệu quả của các hoạt động. Vì vậy, ngoài phương pháp tích hợp giáo dục qua môn học như môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Địa lí, Lịch sử, Sinh học... thì giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn được thông qua các hoạt động ngoại khóa vào giờ chào cờ đầu tuần hoặc nhân các ngày lễ lớn trong năm học. Đó là không gian tập trung đông đảo học sinh và tạo được sức lan tỏa rộng khắp.

Tại trường THPT số 2 Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), nơi có nhiều học sinh người dân tộc học tập, từ lâu là một trong những trường tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục kỹ năng sống thông qua các chủ đề trong từng tuần, từng tháng tại giờ chào cờ. Nhà trường luôn chuẩn bị công phu cả về nội dung và cách thức tiến hành, đặc biệt là hình thức sân khấu hóa nội dung giáo dục.

Những nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở các trường học ở vùng cao được đa dạng hóa trên cơ sở xác định những nội dung giáo dục cần thiết, liên quan đến đời sống của học sinh. Nhiều trường học đã lựa chọn các kỹ năng để giáo dục cho học sinh như kỹ năng ứng xử, phòng tránh thiên tai ở vùng núi, chống đuối nước khi qua suối vào mùa lũ, giao tiếp với những người xung quanh, giáo dục về tình yêu - giới tính và sức khỏe sinh sản, xử lí những tai nạn xảy ra trên đường đến trường, bảo vệ môi trường vùng cao...

"Khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục kỹ năng sống, nhà trường đã khéo léo lồng ghép theo hình thức để học sinh được nói, được tìm hiểu về những vấn đề được các em quan tâm rồi từ đó, thầy cô sẽ hướng dẫn và tư vấn cho các em. Vì vậy, những nội dung giáo dục kỹ năng sống luôn được đông đảo các em học sinh hào hứng tham gia" - Thầy giáo Cao Xuân Lâm, Hiệu trưởng trường THPT số 2 Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) chia sẻ.

Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), nhà trường đã tổ chức diễn đàn "Dân số - sức khỏe sinh sản - kỹ năng sống vị thành niên". Với hình thức sân khấu hóa, những kiến thức về tuổi dậy thì, dấu hiệu của vị thành niên, tác hại của quan hệ tình dục tuổi học trò... đã được các em học sinh lĩnh hội một cách cởi mở, nhẹ nhàng và hứng thú. 

Ngoài những nội dung giáo dục trên, các nhà trường ở vùng cao còn tiến hành tư vấn, giáo dục cho học sinh bán trú những kỹ năng cần thiết như cách ăn ở vệ sinh, kỹ năng tự chăm sóc bản thân khi xa nhà, kỹ năng hợp tác với bạn khi ở chung phòng... Vì vậy, tuy còn nhỏ, xa nhà cả tuần, cả tháng, nhưng các em học sinh trên các bản xa đã biết tự chăm sóc bản thân, biết chăm sóc các bạn cùng phòng, sống đoàn kết và tự lập tốt hơn.

Điều đặc biệt ở các trường học vùng cao trong những năm gần đây là việc giáo dục kỹ năng sống của học sinh gắn với mô hình Trường học - Nông trại đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với các em học sinh người dân tộc thiểu số.  Nếu như ở trường, tại các giờ chào cờ, các em được tư vấn về các vấn đề khá quan trọng liên quan đến cuộc sống của mình thì về khu bán trú, các em được trải nghiệm bằng việc tham gia công việc để hình thành và khắc sâu những kỹ năng cần thiết. Em Mùa A Chung, học sinh lớp 8 (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Qua các buổi tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, chúng em biết thêm được nhiều điều bổ ích liên quan đến chính cuộc sống của mình".

Hiệu quả giáo dục kỹ năng sống ở các trường học vùng cao có sức chuyển biến rõ rệt ở phẩm chất và kỹ năng của học sinh. Điều quan trọng là, tuy điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nhưng các em đã có những nhận thức đúng đắn, có những kỹ năng cần thiết để xử lí các tình huống có thể xảy ra. Tình trạng học sinh mang thai ở tuổi học trò, bỏ học về lập gia đình hoặc qua đời vì thiên tai đã giảm đáng kể.

Nguyễn Thế Lượng - Theo Báo Biên phòng

Lượt xem: 841
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 3
Tháng 04 : 53
Năm 2024 : 1.119